Góc nhìn cựu sinh viên: Kỹ sư Cơ khí - chuyên ngành Máy xây dựng với vai trò kỹ sư thiết kế

  • Góc nhìn cựu sinh viên: Kỹ sư Cơ khí - chuyên ngành Máy xây dựng với vai trò kỹ sư thiết kế

Ngày đăng: 16/03/2019, 08:33 pm
Kỹ sư Cơ khí - chuyên ngành Máy xây dựng với vai trò kỹ sư thiết kế thiết bị

KỸ SƯ CƠ KHÍ - CHUYÊN NGÀNH MÁY XÂY DỰNG

VỚI VAI TRÒ KỸ SƯ THIẾT KẾ THIẾT BỊ NÂNG HẠ

1. Chuyên ngành Máy xây dựng – Trường Đại học Xây dựng, địa chỉ uy tín đào tạo về thiết bị nâng hạ

Chuyên ngành Máy xây dựng (MXD) – Trường Đại học Xây dựng (ĐHXD) đã có lịch sử truyền thống hơn 60 năm đào tạo và phát triển. Sinh viên theo học chuyên ngành MXD được đào tạo về thiết kế, chế tạo, quản lý hệ thống thiết bị cơ khí và điện trong xây dựng, trong sản xuất công nghiệp. Trong đó Máy và thiết bị nâng hạ là một trong các mảng kiên thức chuyên môn chính của chuyên ngành.

Ngày nay chúng ta dễ dàng nhìn thấy các thiết bị nâng hạ được sử dụng trong thực tế như:

- cần trục tháp, cần phân phối bê tông, vận thăng trong các công trình xây dựng;

- cầu trục, cổng trục trong các khu công nghiệp, nhà máy, bãi đúc cấu kiện bê tông;

- cần trục chân đế (cần trục cảng), cần trục tự hành trên các cảng biển hoặc nhà ga;

- thang máy, thang cuốn sử dụng trong các tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại.

Có thể thấy thiết bị nâng hạ là một phần tất yếu trong công cuộc xây dựng và phát triển của tất cả các ngành công nghiệp trong nền kinh tế của mọi quốc gia đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam.

Vị trí kỹ sư thiết kế thiết bị nâng hạ (TBNH) luôn luôn được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đăng tin tuyển dụng thường xuyên.

Vậy để trở thành một kỹ sư thiết kế TBNH bạn phải làm những gì?

Đầu tiên, bạn hãy đăng ký vào học chuyên ngành Máy xây dựng – Trường Đại học xây dựng – một trong những cái nôi đầu tiên ở Việt Nam đào tạo các kỹ sư chuyên môn thiết kế thiết bị nâng hạ. Trong quá trình học tại Đại học XD, ngoài các môn học đại cương, môn học cơ sở ngành bạn sẽ được học các môn chuyên sâu cho vị trí kỹ sư thiết kế TBNH như Cơ sở thiết kế MXD, Máy và thiết bị nâng hạ, Kết cấu thép Máy xây dựng…do các thầy cô là các chuyên gia trong lĩnh vực TBNH của Bộ môn MXD giảng dạy. Sau đó, trong thời gian thực tập tốt nghiệp bạn sẽ được định hướng thực tập tại các công ty chuyên về thiết kế (sản xuất) TBNH như Vinalift, Balkan, HACrane, Formach, Asialift…Tại các công ty này các bạn sẽ làm quen với môi trường làm việc của công ty cũng như các công việc mà một kỹ sư thiết kế TBNH đảm nhận. Sau thời gian thực tập, các thầy cô trong Bộ môn MXD sẽ hướng dẫn các bạn thực hiện Đồ án tốt nghiệp về thiết kế các thiết bị nâng hạ là các dự án đang được triển khai trong thực tế tại các công ty các bạn đã thực tập. Với quá trình đào tạo như trên, ngay sau khi các bạn bảo vệ xong Đồ án tốt nghiệp, các bạn đã có đủ năng lực để vào làm việc tại vị trí kỹ sư thiết kế TBNH với mức lương hấp dẫn. Theo như thống kê của Bộ môn thì hiện nay thì số lượng kỹ sư được đào tạo về thiết kế TBNH vẫn không đáp ứng được nhu cầu nhân lực của các công ty thiết kế, chế tạo thiết bị nâng hạ.

Bạn còn chờ gì nữa, nếu muốn trở thành kỹ sư thiết kế thiết bị nâng hạ hãy đăng ký ngay vào học chuyên ngành Máy xây dựng – Trường Đại học xây dựng.

2. Chia sẻ của cựu sinh viên tiêu biểu ngành kỹ thuật Cơ khí chuyên ngành Máy xây dựng K44 – anh Vũ Khắc Điệp

Nhân dịp viết bài giới thiệu này, ban biên soạn có dịp được trò chuyện cùng anh Vũ Khắc Điệp – cựu sinh viên K44 chuyên ngành Máy xây dựng. Anh Điệp là một trong những sinh viên xuất sắc của chuyên ngành Máy xây dựng và đã đạt được rất nhiều thành công trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo thiết bị nâng hạ.

Cảm ơn anh đã tham gia cuộc trò chuyện này, anh có thể giới thiệu đôi nét về bản thân mình được không ạ?

Sau khi tốt nghiệp lớp 44KM chuyên ngành Máy xây dựng với đề tài tốt nghiệp về thiết bị nâng hạ, mình được tuyển dụng vào Công ty cổ phần kết cấu thép và thiết bị nâng Việt Nam – Vinalift. Từ vị trí xuất phát là kỹ sư thiết kế, sau khoảng thời gian công tác tại công ty, với năng lực và kinh nghiệm có được cũng như được sự tín nhiệm của công ty, hiện nay mình đang giữ chức vụ Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật của công ty. Công việc của mình là chịu trách nhiệm về các vấn đề kỹ thuật của các dự án do công ty triển khai. Ngoài công việc tại công ty Vinalift mình còn là thành viên Ban kỹ thuật TCVN/TC 96 - Cần cẩu có nhiệm vụ tham gia xây dựng tiêu chuẩn quốc gia theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực Cần cẩu.

Được biết trong thời gian học tập tại khoa Cơ khí xây dựng, anh vừa có thành tích học tập xuất sắc vừa có rất nhiều đóng góp cho hoạt động phong trào của Khoa, đặc biệt là phong trào của Liên chi Đoàn, anh có thể chia sẻ thêm cho mọi người về kinh nghiệm này của anh?

Ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường mình đã được các thầy cô trong Khoa và đặc biệt trong Bộ môn Máy xây dựng truyền đạt những kiến thức liên quan đến lĩnh vực cơ khí nói chung và thiết bị nâng hạ nói riêng, và mình cảm thấy rất say mê với lĩnh vực này cũng như mong ước trở thành một kỹ sư thiết kế thiết bị nâng hạ trong tương lai. Vì vậy mình luôn cố gắng học hỏi và tiếp thu tất cả các kiến thức được thầy cô truyền đạt, đây là lý do mình có thành tích học tập khá cao ở trong lớp và được các thầy cô và bạn bè yêu mến.

Về mặt đóng góp cho phong trào của Khoa, mình nghĩ các bạn sinh viên hiện nay cũng như mình thời điểm còn là sinh viên, luôn có sự nhiệt huyết, tinh thần xung kích và sự sáng tạo của tuổi trẻ. Vì vậy việc tham gia các phong trào của Khoa là cơ hội để mình thể hiện tinh thần này, và qua các hoạt động như sinh viên tình nguyện, tiếp sức mùa thi, hội diễn văn nghệ…giúp mình cải thiện rất nhiều các kỹ năng mềm của mình. Điều này đã giúp mình trưởng thành lên trong giao tiếp, ứng xử với mọi người. Đây là lý do trong công ty mình luôn được mọi người quý mến ngay từ khi mới vào làm việc.

Anh có thể chia sẻ sự giúp đỡ của các thầy cô trong Khoa Cơ khí xây dựng sau khi sinh viên ra trường cũng như về công việc của một kỹ sư thiết kế TBNH trong công ty không?

Sau khi làm xong Đồ án tốt nghiệp, mình đã được các thầy cô trong Khoa giới thiệu về các công ty chuyên về thiết kế, chế tạo thiết bị nâng hạ. Điều này giúp mình không mất nhiều thời gian để có một vị trí việc làm cũng như cảm thấy tự tin vào kiến thức thầy cô đã truyền đạt giúp mình có thể đảm nhiệm tốt công việc được giao. Không chỉ giai đoạn vừa tốt nghiệp, trong quá trình triển khai các dự án của công ty, các thầy cô trong Khoa luôn sẵn sàng hỗ trợ mình về các vấn đề kỹ thuật liên quan đến các thiết bị nâng hạ phức tạp lần đầu chế tạo ở Việt Nam cũng như giới thiệu cho công ty Vinalift những kỹ sư Máy xây dựng đáp ứng đầy đủ các điều kiện vào làm việc trong công ty. Hiện nay Công ty Vinalift vẫn có các dự án hợp tác cùng các thầy cô trong Khoa và đặc biệt là với các thầy cô trong Bộ môn chuyên ngành. Về mặt đào tạo, công ty Vinalift là nơi thực tập tốt nghiệp cũng như là nơi làm việc của rất nhiều thế hệ kỹ sư Máy xây dựng từ trước đến nay. Hiện nay, có đến 50% kỹ sư của công ty là cựu sinh viên chuyên ngành Máy xây dựng – Trường Đại học Xây dựng.

Anh Vũ Khắc Điệp (thứ 3 từ phải sang) chụp ảnh cùng một số kỹ sư của công ty

Về công việc của một kỹ sư thiết kế TBNH, ngay từ khi vào công ty, các bạn sẽ được giao triển khai khảo sát, thiết kế và giám sát chế tạo các thiết bị nâng hạ như cầu trục, cổng trục cho các dự án trong các nhà máy, công trường xây dựng. Các kiến thức qua các môn học lý thuyết cũng như các đồ án giúp các bạn triển khai các thuyết minh tính toán và các bản vẽ thiết kế kỹ thuật có độ chính xác và độ tin cậy cao.

Với vai trò vừa là nhà quản lý vừa là một kỹ sư thiết kế thiết bị nâng hạ của Công ty Vinalift, anh có điều gì muốn nhắn nhủ đến các bạn sinh viên chuyên ngành Máy xây dựng?

Công ty Cổ phần Kết cấu thép và Thiết bị nâng Việt Nam - VINALIFT là một trong những đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo thiết bị nâng và kết cấu thép phi tiêu chuẩn tại Việt Nam. Do nhu cầu công việc, công ty Vinalift luôn chào đón và tạo điều kiện tốt nhất có thể cho các kỹ sư chuyên ngành Máy xây dựng làm việc tại công ty với mức lương và chế độ đãi ngộ rất hấp dẫn. Vì vậy các bạn sinh viên ơi! Hãy luôn chủ động, không ngừng học hỏi, và, hãy đến với Công ty Vinalift để trở thành các kỹ sư thiết kế thiết bị nâng hàng đầu Việt Nam!

Xin cám ơn anh vì những chia sẻ thiết thực, chân thành và đầy ý nghĩa. Chúc anh thật nhiều sức khoẻ và gặt hái nhiều thành công hơn nữa.

Cảm ơn bạn. Chúc bạn nhiều niềm vui trong công việc và cuộc sống!

Một số hình ảnh các dự án do kỹ sư Vũ Khắc Điệp triển khai tại Công ty Cổ phần Kết cấu thép và Thiết bị nâng Việt Nam – VINALIFT (http://vinalift.vn/)


Các hoạt động khác
Copyright 2012 /mayxd.com. All Rights Reserved