Góc nhìn cựu sinh viên: Kỹ sư cơ khí - Máy xây dựng với vai trò của một nhà quản lý kinh doanh thiết bị

  • Góc nhìn cựu sinh viên: Kỹ sư cơ khí - Máy xây dựng với vai trò của một nhà quản lý kinh doanh thiết bị

Ngày đăng: 20/07/2018, 03:42 pm
Kỹ sư chuyên ngành Máy xây dựng với vai trò của một nhà quản lý kinh doanh thiết bị

Xin chào các bạn!

Mình xin tự giới thiệu, mình là Nguyễn Thái Luận – cựu sinh viên ngành Máy xây dựng thuộc Khoa cơ khí xây dựng (Lớp 52KM2, niên khoá 2007 – 2012).

Hiện tại, mình đã ra trường được hơn 6 năm (tốt nghiệp năm 2012), một chặng đường cũng đủ để được gọi là người có kinh nghiệm trong công việc.

Cũng đã trải qua cảm giác của các bạn như bây giờ, tức là rất muốn biết rằng khi học Khoa cơ khí Xây dựng – chuyên ngành Máy xây dựng thì sau này ra trường làm những công việc gì? Làm ở đâu? Làm như thế nào? …vv, mình xin được chia sẻ một chút để cho các bạn dễ hình dung về tương lai của các bạn sau khi ra trường như thế này:

Kỹ sư cơ khí có thể làm những công việc gì?

Để cho các bạn có thể hiểu rõ được công việc của mình sau khi ra trường với tấm bằng Kỹ sư cơ khí – Máy xây dựng, mình đưa ra bảng công việc KỸ THUẬT như sau:

 

Nhiệm vụ chính

Công việc cụ thể

Thiết kế, thi công, lắp đặt sản phẩm cơ khí mới

  • Tham gia thiết kế, bóc tách bản vẽ các sản phẩm cơ khí, các loại máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất.
  • Trực tiếp thực hiện việc gia công hoặc giám sát quá trình gia công để hoàn tất sản phẩm đã thiết kế, xử lý ngay những sai sót về thiết kế.
  • Tiến hành lắp đặt, chạy test, nghiệm thu sản phẩm mới.

Lắp đặt, vận hành máy móc - thiết bị

  • Thực hiện việc lắp đặt các thiết bị - máy móc, dây chuyền sản xuất cho nhà máy, công trình.
  • Theo dõi, quản lý quá trình vận hành các dây chuyền sản xuất

Sửa chữa, bảo trì máy cơ khí

  • Thực hiện việc sửa chữa hệ thống điện, cơ của máy cơ khí khi phát hiện hư hỏng.
  • Lên kế hoạch bảo trì và triển khai thực hiện việc bảo trì cho các máy móc, thiết bị của nhà máy.

Đề xuất giải pháp cải tiến máy móc – thiết bị

  • Chủ động nghiên cứu và đưa ra những đề xuất cải tiến hoạt động của các máy móc, thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất.
  • Lên kế hoạch triển khai cụ thể về nhân vật lực khi ý tưởng được thông qua.

Các công việc khác

  • Chủ động đề xuất, đưa ra những gợi ý về vấn đề liên quan đến công nghệ, thiết bị thuộc về cơ khí.
  • Phụ trách đào tạo tay nghề cho công nhân mới.
  • Làm các báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của cấp trên.
  • Thực hiện các công việc khác khi được giao phó.

Tại sao mình lại nhấn mạnh hai từ: KỸ THUẬT?

Vì: Ngoài vị trí kỹ sư cơ khí chuyên làm về KỸ THUẬT đơn thuần như trên, các bạn còn có thể làm việc ở vị trí KINH DOANH(các bạn có thể hiểu là: Kỹ sư làm công việcKinh doanh).

Nói như vậy để các bạn thấy rằng cơ hội cũng như phạm vi công việc của ngành cơ khí nói chung và ngành Máy xây dựng nói riêng là rất rộng mở. Để có thể đáp ứng được các vị trí công việc trong các doanh nghiệp hiện nay, các bạn cần phải cố gắng trau dồi kiến thức và các kỹ năng cần thiết khác.

Quá trình công tác sau khi ra trường của mình:

Sau khi tốt nghiệp với tấm bằng Kỹ sư chuyên ngành Máy xây dựng, mình ứng tuyển vị trí Kỹ thuật kinh doanh và trúng tuyển vào Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ Việt Nam – Chuyên cung cấp, lắp đặt Thang máy – Thang cuốn – Hệ thống đỗ xe tự động – Điều hoà không khí – Máy phát điện, … với vị trí xuất phát là kỹ sư kỹ thuật thực hiện các công việc: Vẽ các bản vẽ thiết kế để tư vấn, Khảo sát thực tế công trình, lên phương án thiết kế để xây dựng hố thang, … và một số các công việc khác. Sau 1 năm làm ở vị trí này mình đã nắm chắc về kỹ thuậtvà với kỹ năng giao tiếp của mình, mình xin chuyển sang vị trí Nhân viên kinh doanh với công việc là đi tìm kiếm, tiếp cận khách hàng, Báo giá và đàm phán giá cả, thương thảo hợp đồng mua bán, thảo thuận thời hạn thanh toán và giao hàng. Sau một thời gian với kinh nghiệm có được cũng như được sự tín nhiệm của công ty, mình đãđược giữ chức vụ Trưởng phòng Kinh doanh của công ty với trách nhiệm về kết quả hoạt động kinh doanh và mở rộng quan hệ đối tác, khách hàng.

Trong quá trình công tác mình cũng đã sắp xếp thời gian, công việc để học lên và lấy được tấm bằng Thạc sỹ chuyên ngành Máy xây dựng năm 2015.

Và sau hơn 6 năm tích luỹ kinh nghiệm về kỹ thuật cũng như kỹ năng kinh doanh tại Công ty Cổ phần Đầu tư và công nghệ Việt Nam, hiện tại mình trở về quê hương Thanh Hoá thành lập công ty để phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực Thang máy, thang cuốn cũng như các lĩnh vực khác liên quan tới máy móc và thiết bị xây dựng.

Vậy để trở thành một Kỹ sư Kinh doanh bạn phải chuẩn bị những gì?

Ngay khi mới vào trường mình có suy nghĩ rằng: “Học xây dựng sau này chỉ làm kỹ thuật hoặc đi công trường”.Nhưng khi đi làm rồi mình mới thấy rằngngoài công việc về kỹ thuật ra bạn có thể làm ở vị trí kinh doanh liên quan tới máy móc thiết bị. Lợi thế của mình (cũng như các bạn sau này) là đọc hiểu tài liệu kỹ thuật nhanh hơn những người được học kinh doanh ở các trường kinh tế và mình tư vấn cho khách hàng theo kiểu “dân kỹ thuật” khiến cho khách hàng dễ hiểu hơn.

Để có thể mở rộng cơ hội và lựa chọn vị trí công việc sau này, mình có một số ý kiến muốn nói với các bạn là:

-          Hãy học tốt những kiến thức mà các thầy cô giảng dạy ở trong trường (Dù ít dù nhiều, kiến thức sẽ được áp dụng trong quá trình bạn làm việc sau này);

-          Xử lý thành thạo 3 phần mềm office: Word, Excel và PowerPoin;

-          Nắm chắc các phần mềm chuyên ngành liên quan: Autocad, …;

-          Tiếng anh;

-          Cốt lõi nhất đối với những người trẻ hiện đại là: KỸ NĂNG GIAO TIẾP.

Tại sao mình lại nhấn mạnh về Kỹ năng giao tiếp?

Vì:

-          Nó sẽ giúp bạn cách ứng xử với các thành viên trong công ty cũng như khách hàng;

-          Nó sẽ giúp bạn tự tin gặp gỡ, tiếp xúc với mọi người;

-          Nó sẽ làm cho bạn hoạt bát, nhanh nhẹn hơn.

Bạn học kỹ năng giao tiếp như thế nào?

-          Trong quá trình học tập bạn hãy tham gia các hoạt động phong trào của Khoa như: tình nguyện, tiếp sức mùa thi, hội diễn văn nghệ,..

-          Sắp xếp thời gian của việchọc để có thể Đi làm thêm, làm partime ở các cửa hàng, quán café,.. (mình nhắc lại là ưu tiên cho việc học trước nhé.)

-          Đọc sách về kỹ năng giao tiếp;

Trên đây là một số điều mình muốn chia sẻ với các bạn, để các bạn có thể thấy rằng: Cơ hội công việc của các bạn là rất rộng mở NẾU CÁC BẠN CỐ GẮNG NGAY TỪ BÂY GIỜ!

Và cuối cùng, mình xin được gửi lời chúc mừng tới tất cả các bạn Tân sinh viên, chúc các bạn sẽ trở thành những sinh viên ưu tú và thành công trên con đường phía trước.

Cảm ơn các bạn.

Trân trọng!

Các hoạt động khác
Copyright 2012 /mayxd.com. All Rights Reserved